Trending

Khi bước vào thị trường này, chắc hẳn anh em cũng đã nghe đâu đó là có hai trường phái phân tích, đó là Phân tích cơ bản (PTCB) và Phân tích kỹ thuật (PTKT). PTKT là định nghĩa khi nói về nhà đầu tư dành phần lớn thời gian vào vẽ chart, sử dụng chỉ báo. Vậy còn Phân tích cơ bản là gì? Quy trình phân tích cơ bản ra sao? Ưu nhược điểm của nó là gì? Bài viết này sẽ giúp anh em trả lời những câu hỏi đó!

Phân tích cơ bản là gì?

Phân tích cơ bản (Fundamental Analysis – FA) là phân tích các yếu tố cơ bản của 1 dự án, từ các yếu tố bên trong đến các yếu tố bên ngoài, đánh giá tác động của yếu tố đó đến giá trị của dự án.

Mục tiêu cuối cùng của phân tích cơ bản là xác định liệu giá trị hiện tại là cao hơn hay thấp hơn so với giá cả đang được thị trường định giá, qua đó đưa ra các quyết định đầu tư hợp lý hơn.

Phân tích cơ bản là gì?

Phân tích cơ bản và Phân tích kĩ thuật (FA và TA)

Khi đầu tư thì chúng ta luôn luôn phải học để nâng cao xác suất thắng của mình, và học trong đầu tư sẽ có hai loại chính và sự khác biệt của chúng là:

  • Học Phân tích kỹ thuật (Technical Analysis – TA): Học phân tích yếu tố quan trọng nhất trong đầu tư, đó là phân tích về giá, cách giá biến động trên thị trường, những quy luật biến động giá.
  • Học Phân tích cơ bản (Fundamental Analysis – FA): Học phân tích tất cả yếu tố còn lại (trừ giá), ví dụ như công nghệ, dòng tiền, đội ngũ, cộng đồng,… phân tích những yếu tố đó ảnh hưởng đến giá như thế nào.

Tuy nhiên, không có phương pháp phân tích nào là đúng tuyệt đối, mỗi phương pháp đều có ưu, nhược điểm riêng, và anh em nên chọn phương pháp phù hợp với tính cách, mục tiêu, chiến lược đầu tư của cá nhân mình.

Anh em có thể tham khảo thêm bài viết về Phân tích kỹ thuật để hiểu về khái niệm, đặc điểm cũng như cách phân tích như thế nào, từ đó có thể nhận ra được mình hợp với trường phái phân tích nào.

Ở bài viết này, mình sẽ hướng dẫn anh em cách để phân tích cơ bản một dự án Crypto.

Phân tích cơ bản phù hợp với ai?

Phân tích cơ bản phù hợp với những anh em thích những yếu tố về kinh doanh, công nghệ, những câu chuyện đằng sau của dự án,… Đầu tư cũng như việc chọn người yêu vậy, ai cũng sẽ có những tiêu chí riêng cho mình, và phân tích cơ bản sẽ giúp anh em tìm thấy những tiêu chí đó.

Ví dụ, cá nhân mình thích những dự án có cộng đồng mạnh, và tích cực góp ý xây dựng dự án. Do đó, mình sẽ hay vào các room Discord hay forum để xem cộng đồng thảo luận và đánh giá như thế nào.

Cộng đồng Sushi là một cộng đồng rất sôi nổi với lượng bài đề xuất liên tục

Nếu như anh em thường chọn người yêu để làm vợ cho cả cuộc đời, thì đầu tư mà sử dụng phân tích cơ bản, cũng sẽ thường áp dụng cho các chiến lược dài hạn.

Bởi các yếu tố cơ bản cốt lõi: con người, công nghệ, mô hình kinh doanh,… là những yếu tố rất khó thay đổi và rất ít khi thay đổi, nhìn vào đó anh em phải đoán được tương lai của 5, 10 năm sau, do đó, phân tích cơ bản phù hợp với những ai thích đầu tư dài hạn.

Cách phân tích cơ bản một dự án Crypto

Phân tích cơ bản cũng giống như nghiên cứu một việc gì đó, chúng ta có thể phân tích:

  • Từ trên xuống: Đi từ thị trường chung ⇒ Ngành ⇒ Dự án.
  • Từ dưới lên: Phân tích dự án ⇒ Xem xét tổng quan ngành ⇒ Đánh giá thị trường chung.

Mỗi hướng đi sẽ có lợi riêng, cá nhân mình sẽ thích đi từ trên xuống, vì như vậy sẽ nắm được cái tổng quát, đưa ra được nhiều sự so sánh và có nhiều góc nhìn hơn.

Phân tích từ trên xuống sẽ có 2 bước chính:

  • Xác định các yếu tố bên ngoài, dự án đang ở đâu trong bức tranh tổng?
  • Phân tích sâu vào dự án.

Xác định dự án trong bức tranh tổng

Mục tiêu là để trả lời cho 2 câu hỏi:

  • Dự án có phải mảnh ghép thị trường đang cần?
  • Tiềm năng tăng trưởng của dự án là bao nhiêu?

Đầu tiên, xem dự án có phải mảnh ghép thị trường đang cần hay không.

Ở bước này, có 2 yếu tố bên ngoài chính anh em cần quan tâm:

  • Dự án đang nằm trong ngành nào?
  • Dự án đang nằm trong hệ sinh thái nào?

Anh em cũng biết, hiện nay thị trường Crypto đang chia ra làm nhiều Blockchain với nhiều hệ sinh thái – cụ thể hơn là các nền kinh tế riêng, mỗi nền kinh tế sẽ có mỗi ngành, có sự cạnh tranh riêng.

Xác định được 2 yếu tố trên, anh em sẽ biết dự án có phù hợp với bức tranh đó không:

  • Một dự án có tốt đến mấy nhưng nằm trong một hệ sinh thái không phát triển, thì sẽ rất khó để dự án có thể đi lên được.
  • Ngược lại, một dự án bình thường, chỉ là fork nhưng nằm trong một hệ sinh thái đang đi lên thì sẽ nhận rất nhiều được mong chờ.
Dự án có phải là mảnh ghép còn thiếu trong bức tranh tổng?

Mình lấy ví dụ: ABC là AMM mới trên Blockchain Near.

  • Near là Blockchain còn sơ khai, tiềm năng tăng trưởng còn nhiều.
  • AMM trên Near hiện chỉ có 1 Ref Finance, vẫn còn nhiều cơ hội cho dự án khác.

⇒ ABC là 1 dự án đáng chú ý.

Thứ hai, xác định vị trí của dự án trong bức tranh toàn cảnh, từ đó giúp ta biết tiềm năng tăng trưởng (upside) của dự án.

Ví dụ, mình đầu tư vào Bitcoin (BTC), Bitcoin nằm trong bức tranh tổng cùng với các công cụ giao dịch, tiền tệ trên thị trường, ngang hàng với bạc, vàng, USD, EUR,…

Vậy tiềm năng phát triển vốn hóa của Bitcoin là tới đâu? Đó có thể là vốn hóa của vàng, của Đô la, của EURO,… hoặc của tất cả thị trường trên cộng lại. Mình không biết được Bitcoin sẽ thực sự đi được đến đâu, nhưng mình biết được “mức trần” tăng trưởng của Bitcoin, mức giá ở đâu là có thể chấp nhận được, giá có thể tăng đến mức nào.

Phân tích sâu vào dự án

Nếu như xác định vị trí của dự án trong bức tranh tổng giúp chúng ta biết được “tối đa dự án có thể đi đến đâu”, thì phân tích sâu vào dự án cho chúng biết dự án cho ta biết được “thực sự dự án đi được đến đâu”, có thể là đi được 1/4, một nửa, hay là tối đa,.. Có 4 yếu tố chính khi phân tích sâu vào một dự án.

Thứ nhất là Token.

“Chúng ta không đầu tư vào dự án, chúng ta đầu tư vào token của dự án” – Lê Thanh (founder của Coin98) đã từng nói.

Do đó, khi phân tích cơ bản thì nghiên cứu về token – hay Tokenomics rất quan trọng. Tokenomics được xem là xương sống của một dự án khi ra mắt token. Để hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của Tokenomics cũng như cách đánh giá thiết kế token của một dự án, anh em tham khảo thêm bài viết sau.

Chức năng của một số token/coin trên thị trường

Thứ hai là tình hình phát triển hiện tại của dự án.

Ở bước này chúng ta sẽ đánh về sản phẩm và tình hình phát triển của sản phẩm.

  • Về sản phẩm: Sản phẩm của dự án là gì? Giải quyết những khó khăn gì? Cách giải quyết này có mới hay không?
  • Về tình hình phát triển: Những dữ liệu On-chain để đánh giá, ví dụ như TVL, Volume, số lượng holder, số lượng đối tác, doanh thu tạo ra,…

Ví dụ, mình tìm hiểu về Sushi, mình sẽ vào website, các bài viết đọc để tìm hiểu về sản phẩm của Sushi. Mình biết được Sushi đang phát triển một hệ sinh thái xoay quanh sản phẩm chính là AMM, giải quyết nhu cầu giao dịch trên thị trường, sau đó mình sẽ xem tốc độ tăng trưởng của các chỉ số cơ bản như TVL, Volume, Holder, Staker,… để đưa ra đánh giá về tình hình phát triển hiện tại của Sushi. 

Thứ ba là các đối thủ cạnh tranh trong cùng phân khúc.

Việc so sánh đưa cho anh em cái nhìn khách quan hơn về các sản phẩm của dự án, như thế là tốt chưa, có thể vượt qua giành lấy thị phần của bên khác không, tình hình phát triển của dự án so với đối thủ như thế nào,…

So sánh doanh thu của các Protocol. Nguồn: Token Terminal

Ngoài ra, một số yếu tố khác cũng cần quan tâm khi phân tích cơ bản như: Đội ngũ phát triển, Roadmap, Backer, Cộng đồng,…

Tổng hợp tất cả những yếu tố trên, đem đi phân tích và so sánh, anh em sẽ đánh giá được dự án thực sự đi được đến đâu.

Ưu nhược điểm của Phân tích cơ bản

Ưu điểm

Phân tích cơ bản giúp anh em đưa ra các nhận định, đánh giá các yếu tố quan trọng của 1 dự án, ảnh hưởng của các yếu tố đó đến giá trị Token như thế nào.

Việc phân tích các yếu tố cơ bản giúp anh em đưa ra các quyết định đầu tư tốt hơn trong dài hạn. Có kiến thức anh em sẽ hold chặt hơn, không bị ảnh hưởng bởi các “FUD” trên thị trường, cũng như biết khi nào là nên buông bỏ, không hold một cách mù quáng.

Nhược điểm

Phân tích cơ bản yêu cầu anh em phải xử lý lượng kiến thức lớn, về cả công nghệ, kinh tế, tài chính.

Trên thị trường Crypto có nhiều cơ hội đầu tư khác mà phân tích cơ bản không giải thích được. Chẳng hạn như các mô hình Ponzimemecoin,… chỉ xét riêng về mặt đầu tư, những dự án trên đem lại lợi nhuận cao nếu biết chơi đúng cách thay vì đi phân tích cơ bản.

Trên thị trường Crypto sẽ có nhiều yếu tố tác động mà chúng không thể lường trước, chỉ một Tweet của Elonmusk cũng khiến thị trường sập cho thấy mức độ “mong manh” của thị trường này. Do đó, việc sử dụng phân tích cơ bản hay bất kì phương pháp phân tích nào khác cũng không đảm bảo sẽ đem lại hiệu quả 100% cho các chiến lược đầu tư.

Bởi vậy, bên cạnh phân tích, anh em cũng nên có một kế hoạch “quản trị rủi ro” hiệu quả.

Các công cụ hỗ trợ quá trình PTCB

Website Coin98 Insights

Coin98 Insights luôn cố gắng cung cấp đầy đủ những thông tin và bài phân tích để anh em có thể tự học phân tích cơ bản, cũng như hỗ trợ cho quá trình đầu tư.

  • Để xác định vị trí dự án trong bức tranh toàn cảnh: Coin98 có các bài viết đánh giá tổng quản dự án, tổng quan hệ sinh thái, phân tích cập nhật hệ sinh thái hàng tuần,…
  • Để phân tích chuyên sâu dự án: Coin98 có các Series giúp anh em hiểu sâu hơn về các dự án, ví dụ như:
    • DeFi Legos – Phân tích từng mảnh ghép quan trọng trong DeFi.
    • On-chain Microscope – Phân tích dữ liệu on-chain của các dự án.
    • How It Works – Phân tích mô hình hoạt động của các dự án,…

Kênh thông tin của dự án

Bản thân dự án luôn muốn thu hút sự chú ý từ các nhà đầu tư, muốn họ đầu tư cho mình, do đó các dự án luôn cung cấp đầy đủ các thông tin để các nhà đầu tư ra quyết định.

Anh em có thể tham khảo: Website dự án, Medium, Lite paper, Discord, Telegram,…

Kênh tổng hợp dữ liệu

Các kênh này sẽ giúp anh em có số liệu cụ thể, phục vụ cho việc phân tích trở nên khách quan hơn.

Anh em có thể tham khảo một số kênh như: DuneAnalytics, Token Terminal, Defillama, Glassnode, Coingecko,…

Kênh phân tích, research chuyên sâu

Anh em cũng có thể tham khảo các đánh giá từ các bên khác. Ở đây mình gợi ý một số kênh youtube như Coin98 Insights, Thuận Capital, Finematics, Economics Design, The Daily Gwei,….

Kết luận

Trên đây là những chia sẽ của mình về Phân tích cơ bản, hi vọng sẽ giúp được anh em trong quá trình đầu tư. Anh em còn gặp những khó khăn nào khi phân tích cơ bản, hãy để lại bình luận bên dưới để chúng ta có thể cùng trao đổi và giải đáp.

bài viết liên quan