Ethereum là gì?
Ethereum là một nền tảng Blockchain xây dựng trên công nghệ mã nguồn mở, công khai và phân quyền. Dự án cho phép các dApp (ứng dụng phi tập trung) hoạt động trên nền tảng của mình. Mạng lưới của Ethereum được ví như một siêu máy chủ với hàng trăm ngàn thiết bị được kết nối trên toàn cầu với mục đích duy trì trạng thái điện toán của nó.
Phân biệt Ethereum và Ether (ETH)
Ethereum là nền tảng blockchain còn Ether (ETH) là token chính của nền tảng này. ETH chỉ là một phần nhỏ trong cấu trúc hệ thống của Ethereum. Ethereum như Bitcoin được coi là sở cái phân tán ghi chép lại lịch sử giao dịch, còn ETH và BTC là nội dung được ghi lại.
Ethereum có gì đặc biệt hơn Bitcoin?
Như đã biết, Bitcoin là mạng lưới blockchain nguyên thuỷ. Hệ thống của nó được coi là đồ sộ và tính bảo mật cao nhất hiện tại. Tuy nhiên nó lại không thể phát triển các ứng dụng trên chính nó. Vì vậy Ethereum đã kế thừa điểm mạnh của Bitcoin và nâng cấp mình trở nên linh hoạt hơn. Một quyết định được coi là bước ngoặt của công nghệ Blockchain.
Sự thay đổi giúp cho Ethereum có các ứng dụng trong DeFi và NFT, giúp dự án phát triển lớn mạnh như ngày nay. Các điểm chính khác biệt cua Ethereum với Bitcoin:
- Ethereum được phát hành qua ICO để tài trợ dự án. Còn với Bitcoin thì các miner đời đầu cầm phần lớn số lượng BTC đang phát hành
- Ethereum không giới hạn nguồn cung, phần thưởng khối khoảng 2 ETH và không có halving như Bitcoin. Bitcoin giới hạn 21 triệu đồng coin được khai thác với phần thưởng giảm còn một nửa sau mỗi 4 năm.
- Thời gian tạo khối của Ethereum chỉ từ 14 đến 15 giây thay vì 10 phút trong Bitcoin.
- Cấu trúc ngôn ngữ lập trình Turing-complete cho phép mở rộng các ứng dụng với nhiều lớp, tuy nhiên sẽ dễ bị tấn công mạng hơn so với cấu trúc đơn giản, hoàn chỉnh và bảo mật của Bitcoin.
- Với giao thức GHOST, việc giao dịch Ether nhanh hơn nhiều lần Bitcoin.
- Ethereum chống lại việc sử dụng máy đào ASIC như Bitcoin.
- Ethereum chống lại việc khai thác tập trung với chế của giao thức Ghost.
- Bitcoin chưa từng can thiệp vào dữ liệu trên sổ cái. Còn Ethereum đã phải hard fork sau khi DAO bị tấn công.
Ethereum ra đời như nào?
Bitcoin đã trải qua rất nhiều phiên bản biến thể gắn với việc nâng cấp, nhưng đều thất bại vì hạn chế từ ngôn ngữ lập trình. Sau đó, một thiếu niên 19 tuổi tên Vitallik Buterin, người từng coi thường Bitcoin, đã nghĩ ra cách khắc phục những hạn chế của giao thức Bitcoin, tạo ra khối xây dựng cho một loạt các ứng dụng thậm chí vượt ra ngoài lĩnh vực tài chính.
Vào năm 2013, Vitalik Buterin và một số thành viên đã cùng nhau phát minh ra một nền tảng blockchain mới có tên là Ethereum, với mục đích là cách mạng hóa trong vận hành hệ thống của internet hiện tại.
Vào tháng 7 năm 2015, Ethereum khởi chạy phiên bản beta và tạo ra một bộ mặt mới cho hệ thống khi hoạt động trên công nghệ Smart Contract (Hợp Đồng Thông Minh).
Các thành viên sáng lập
Vitalik Buterin
Nhà phát triển chủ chốt của Ethereum, từ một ý tưởng, trong vòng chưa đầy bốn tuần đã có cơ sở để trở thành hệ sinh thái tiền điện tử có giá trị thứ hai trong thị trường. Với thành công của cá nhân mình, anh đang là một trong những KOLs nổi tiếng trong giới Crypto.
Mihai Alisie
Alisie là một trong tám thành viên được công nhận của nhóm sáng lập Ethereum. Ông có công lớn trong việc thành lập Quỹ Ethereum ở Thụy Sĩ. Alisie đã giúp thiết lập một khuôn khổ pháp lý cho việc bán trước Ether và sau đó trở thành phó chủ tịch của Ethereum Foundation. Vào năm 2015, Alisie bắt đầu dự án Akasha của riêng mình dựa trên Ethereum.
Anthony Di lorio
Anh là một trong những nhà tài trợ tài chính cho hành trình khởi nghiệp của Công ty Ethereum. Sau đó, anh ấy đã lui về phía sau hậu trường, sau khi nhóm quyết định chọn nguyên tắc kinh doanh phi lợi nhuận. Di lorio nổi lên khi là giám đốc kỹ thuật số của Sở giao dịch chứng khoán Toronto không lâu, trước khi thành lập công ty riêng là Decentral, đứng sau ví kỹ thuật số Jaxx.
Amir Chetrit
Anh là người có mối quan hệ công việc với Vitalik trong thời gian làm việc tại Colored Coins. Được đề nghị tham gia nhóm sáng lập vào tháng 12 năm 2013. Tuy nhiên, tại một cuộc họp đồng sáng lập, các thành viên khác trong nhóm và các nhà phát triển Ethereum đã đặt câu hỏi nghi vấn đến Chetrit. Và chính trong cuộc họp đó, anh đã đồng ý từ bỏ sự tham gia tích cực vào việc phát triển Ethereum nhưng vẫn nắm giữ vị trí đồng sáng lập dự án.
Charles Hoskinson
Charles Hoskinson nổi lên với tư cách là CEO của công ty khởi nghiệp Ethereum vào tháng 12 năm 2013. Và khi anh cũng rời khỏi công ty sau khi nhóm quyết định thúc đẩy một kiến trúc phi lợi nhuận cho tổ chức. Điều này đã thúc đẩy Hoskinson tạo ra Cardano, nền tảng này hiện được coi là một trong những blockchain đối thủ lớn để soán ngôi của Ethereum.
Gavin Wood
Gavin Wood là một trong những người nắm giá trị đóng góp cốt lõi trong giai đoạn phát triển ban đầu của Ethereum. Nhờ những đóng góp đáng kể về lập trình của mình, anh đã giành được một vị trí trong nhóm đồng sáng lập. Anh là người đã khai sinh ra TestNet Ethereum đầu tiên và thậm chí đã xuất bản báo cáo màu vàng của dự án – đặc điểm kỹ thuật nằm trong sách trắng ban đầu được xuất bản bởi Vitalik. Wood cũng đề xuất Solidity làm ngôn ngữ lập trình bản địa của hệ sinh thái. Nhưng hiện tại, anh đang bận rộn làm việc cho Web3 Foundation và sản phẩm chính là Polkadot.
Jeffrey Wilcke
Giống như Wood, Wilcke trở thành đồng sáng lập nhờ những giá trị đóng góp trong lập trình của anh ấy. Khi phát hiện ra Ethereum, anh đang làm việc trên MasterCoin. Hiện anh đang tập trung toàn lực của mình vào studio phát triển trò chơi của cá nhân tên là Grid Games.
Joseph Lubin
Trước khi gia nhập nhóm Ethereum, Joseph Lubin tích lũy rất nhiều kinh nghiệm từ nhiều lĩnh vực khác nhau. Sau đó, anh ấy đã thành lập công ty ConsenSys vì lợi nhuận của riêng mình, đóng vai trò là vườn ươm cho các công ty khởi nghiệp blockchain muốn sử dụng hệ sinh thái Ethereum. Anh ấy cũng có tầm ảnh hưởng tương đối trong một số quan hệ đối tác nổi tiếng mà Ethereum đã đảm bảo trong những năm qua.
Các tổ chức đứng sau duy trì mạng lưới Ethereum
Một số các tổ chức có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy toàn bộ hệ sinh thái Ethereum có thể kể đến như:
- Ethereum Foundation (EF) là một tổ chức phi lợi nhuận sinh ra để hỗ trợ Ethereum và các công nghệ liên quan ra đời từ năm 2014. EF không có vai trò là kiểm soát hoặc dẫn dắt Ethereum, cũng không phải là tổ chức duy nhất tài trợ cho sự phát triển quan trọng của các công nghệ liên quan đến Ethereum. Nhưng EF rất quan trọng với dự án Ethereum.
- Enterprise Ethereum Alliance (EEA) là một tổ chức công nghiệp do thành viên lãnh đạo có mục tiêu là thúc đẩy việc sử dụng công nghệ blockchain Ethereum và Mainnet Ethereum như một tiêu chuẩn mở để trao quyền cho mọi doanh nghiệp.
- Consensys: như đã nói ở trên, đây là một công ty được thành lập bởi Joseph Lubin. Đối với Ethereum, Consensys giống như nơi ương mầm cho các dự án có ý tưởng chạy trên nền tảng của Ethereum.
Cấu trúc của blockchain Ethereum
Blockchain là một kiến trúc gồm nhiều thành phần và điều làm cho nó trở nên độc đáo là cách những thứ có trong blockchain hoạt động và tương tác với nhau. Một số thành phần quan trọng có thể nhắc đến trong cấu trúc của Ethereum như là Máy ảo Ethereum (EVM), miner (thợ đào), block (khối), transaction (giao dịch), consensus algorithm (cơ chế đồng thuận), account (tài khoản), smart contract (hợp đồng thông minh), mining (hoạt động đào coin), Ether và gas.
Cách thức hoạt động của Ethereum
Ethereum xây dựng dựa trên ngôn ngữ lập trình Turing complete được tích hợp sẵn. Mỗi Miner Node sẽ có một phiên bản sổ cái của riêng mình. Sổ cái chứa hết các khối hiện có trong chuỗi. Ccác thợ đào sẽ luôn phải đồng bộ hóa các khối của họ trên cơ sở liên tục để đảm bảo mọi phiên bản sổ cái của người khai thác đều giống nhau.
Hoạt động này gọi là duy trì trạng thái máy tính (đồng thuận), khi mà hình ảnh chụp số dư (snapshot) của tất cả tài khoản trên toàn bộ hệ thống. Khi có một giao dịch diễn ra, toàn bộ các máy tính sẽ cập nhật trạng thái của giao dịch này.
Trạng thái nói trên được biểu hiện dưới dạng một tài khoản là một Account (tài khoản) có kích thước là 20 byte gồm các trường:
- The nonce, một bộ đếm có chức năng dùng để đảm bảo mỗi giao dịch chỉ có thể được xử lý một lần
- Số dư hiện tại
- Mã hợp đồng (nếu có)
- Bộ nhớ (nếu có, còn không thì mặc định là trống)
Còn đồng ETH chính là nhiên liệu cho toàn bộ hoạt động mạng lưới, và đồng thời là phí (Gas) phải thanh toán khi thực hiện giao dịch. Điều đặc biệt là Ethereum có các tài khoản là hợp đồng thông minh được biểu thị dưới dạng mã hoá, ngoài trạng thái của địa chỉ ví (Account) tương tự bitcoin thì hợp đồng thông minh sẽ cập nhật trạng thái riêng của nó kiểm soát bởi một khóa riêng hoặc nhiều khóa.
Hoạt động đào coin (mining) chính xác là quá trình xác thực các giao dịch đến từ các thợ đào. Giao thức này tương tự Bitcoin, khi hệ thống có các giao dịch được thực hiện, máy tính sẽ sắp xếp và đóng gói các giao dịch được gọi là khối (block). Tuy nhiên thời gian tạo khối được cải thiện nhiều so với Bitcoin (15 giây). Thông tin mỗi khối chứa là về dấu thời gian, tham chiếu đến khối trước (thông qua hàm băm) và danh sách tất cả các giao dịch đã diễn ra kể từ lần trước. Phần thưởng của việc này sẽ là ETH và phí giao dịch.
Cơ chế đồng thuận Proof of Work giúp bảo mật cao nhưng lại khiến mạng lưới của Ethereum tiêu tốn năng lượng và đắt đỏ, vì vậy Ethereum đang hướng tới giải pháp Proof of Stake bằng việc thực hiện The Merge sắp tới, với mục đích là để tăng khả năng mở rộng.
Hệ sinh thái của Ethereum
Hệ sinh thái là một khái niệm về các ứng dụng tài chính phi tập trung (DeFi) được phát triển dựa trên một blockchain. Với cấu trúc các lớp của Ethereum, thì mỗi nhà phát triển sẽ lại nghiên cứu và phát triển các ứng dụng của riêng mình. Dưới đây là các lĩnh vực đang phát triển trong hệ sinh thái của Ethereum:
- Quản lý tài sản
- Phân tích
- Sàn DEX
- Các công cụ về tool và cấu trúc cho DeFi
- Cho vay phi tập trung
- Tài sản token hóa
- Marketplace
- KYC & xác minh danh tính
- Thanh toán
- Stablecoin
- Giao dịch phái sinh và ký quỹ
- Các nền tảng quản trị bởi DAO
- Nền tảng bảo hiểm
- Các thị trường dự báo
Sự kiện bị hack và hard fork của Ethereum
Vào năm 2016, một tổ chức tự trị phi tập trung ra đời có tên The DAO. Đây là một tập hợp các hợp đồng thông minh được phát triển trên nền tảng này,huy động số vốn trong đợt crowdsale để tài trợ cho dự án với con số lên đến 150 triệu đô. Vài tuần sau, một hacker đã trộm mất 3,6 triệu ETH ~ 31% lượng ETH quỹ có, rơi vào khoảng 50 triệu đô la khi đó. Số ETH đó ngày nay có giá trị lên đến hơn 7 tỷ USD. Sự kiện này đã làm dấy lên một cuộc tranh luận trong cộng đồng tiền điện tử về việc liệu Ethereum có nên thực hiện cuộc “hard fork” gây tranh cãi để nắm quyền kiểm soát lại các khoản tiền bị ảnh hưởng hay không.
Và cuối cùng việc hard fork đã diễn ra, dẫn đến việc mạng chia thành hai blockchain: Ethereum (sửa chữa sự cố bị hack) và Ethereum Classic (chấp nhận bị hack và tiếp tục hoạt động). Sự kiện Hard fork sau đó đã tạo ra sự cạnh tranh giữa hai mạng. Sau hard fork, Ethereum xảy ra thêm 2 lần fork hai lần trong quý 4 năm 2016 để đối phó với các cuộc tấn công khác. Và đến năm nay, hậu The Merge cũng đang đứng trước viễn cảnh có một cuộc hard fork xảy ra, với mục đích chia làm 2 chain sử dụng 2 thuật toán riêng biệt là PoW và PoS.
Ethereum 2.0 là gì?
Ethereum 2.0 là phiên bản chuyển đổi thuật toán từ PoW sang PoS khi thực hiện thành công The Merge. Bởi hiện tại việc sử dụng PoW đang tiêu tốn quá nhiều tài nguyên và quá tải khi người dùng mỗi ngày trở nên đông đảo. Với PoS, Ethereum có thể mở rộng kích thước khối, cơ chế đồng thuận cũng như thay đổi trong quá trình phát triển mã nguồn mở.
Mục đích chính của việc nâng cấp này là tăng thông lượng giao dịch hiện tại từ khoảng 15 lên đến hàng chục nghìn giao dịch mỗi giây. Ethereum 2.0 được thiết kế ra mắt theo 3 phase:
- “Phase 0” được khởi chạy vào ngày 1/12/2020 và Beacon Chain ra đời, thứ sẽ được coi là trái tim của Ethereum 2.0.
- “Phase 1” sẽ tạo chuỗi mảnh và kết nối chúng với Beacon Chain.
- “Phase 2” sẽ triển khai thực thi trạng thái trong các chuỗi phân đoạn, khi ấy chuỗi Ethereum 1.0 hiện tại dự kiến sẽ trở thành một trong các phân đoạn của Ethereum 2.0.
Bạn có thể xem thông tin sự kiện The Merge tại đây.
Các tiêu chuẩn token của Ethereum
Tiêu chuẩn token là một khái niệm đưa ra để phân loại các smart contract dựa vào ký hiệu của chúng. Trước khi có thể trở thành một tiêu chuẩn token thì phải trải qua một bước thử nghiện EIP, hay còn gọi là thử nghiệm trước Mainnet. Các tiêu chuẩn hiện có về token của Ethereum là ERC-20, ERC -721, ERC-777, ERC-1155.
Lưu trữ Ethereum coin ở đâu?
Bạn có thể lưu trữ token Ethereum bằng ví nóng, ví lạnh hoặc ví trên các sàn giao dịch lớn như Binance, FTX,..
Thông tin cơ bản về đồng tiền mã hoá của Ethereum
- Tên: Ether
- Ticker: ETH
- Thuật toán: EThash
- Cơ chế đồng thuận: Proof of Work
- Ngày khởi chạy: 30/07/2015
- Phần thưởng khối: 2,42
- Tổng nguồn cung khởi tạo: 75.000.000 ETH
- Cung lưu thông hiện tại: 121,984,089.62 ETH
- Website Official: https://ethereum.org/en/
- Url Explore: https://etherscan.io/
Cách để sở hữu đồng Ethereum
Làm thợ đào
Như các bạn đã biết, phần thưởng khi tạo khối là rơi vào khoảng hơn 2 ETH. Với thuật toán PoW, việc đào coin tiêu tốn khá nhiều tài nguyên. Vì vậy nếu bạn không phải là chuyên gia, đặc biệt là có nguồn vốn ổn thì việc tham gia đào rất rủi ro mà lại không mang hiệu quả về doanh thu. Một giải pháp thường được các thợ đào sử dụng là gộp chung máy để chạy chung cùng một node mạng, đó là giải pháp khả thi dành cho người ít vốn.
Mua/bán trên các sàn giao dịch tiền điện tử
Đồng ETH hiện đang được niêm yết hầu như trên tất cả các sàn tiền mã hoá. Bạn có thể dễ dàng mua chúng trên đó. Ví dụ như sàn Binance, Coinbase, FTX,..
Thông quá các sản phẩm tài chính của DeFi
Các sản phẩm tài chính xây dựng trên blockchain cho phép người sở hữu token như BTC, ETH, XRP, USDT,.. có thể tối đa hoá lợi nhuận cá nhân thông qua các hình thức như gửi tiết kiệm, vay, cho vay,..
Lời kết
Trên đầy là những thông tin cơ bản mà bạn cần biết về đồng tiền điện tử đứng thứ 2 thị trường Crypto lúc này, Ethereum. Hy vọng thông tin sẽ giúp ích cho bạn trong việc đầu tư sắp tới. Chúc các bạn thành công.
Lưu ý: Đây không phải là lời khuyên đầu tư. DYOR trước khi tham gia đầu tư.